Cà phê vỉa hè từ lâu đã trở thành một nét văn hóa riêng đặc trưng của người Sài Gòn.Thức uống này đã đi sâu vào cuộc sống hàng ngày của người Sài Gòn cũng như níu chân những du khách phương xa đã từng tới đây thưởng thức những lý cà phê mát lạnh nơi vỉa hè, ngắm phố phường, trải lòng nơi đô thị phồn hoa, tấp nập.
" Cho tôi một ly cà phê... sữa đá... cho tôi ngồi bên hàng cây tán lá... cho tôi được nhìn con đường xa xa... dòng người, dòng đời ngày ngày trôi qua... cho tôi dừng chân ở nơi ... quán xá... bên đường...Sài Gòn cà phê sữa đá vẫn mãi như thế, ai uống hay chưa?..."
Đôi khi, giữa dòng xe cộ tấp nập, ngồi nhâm nhi ly cà phê, mênh mang nhớ 1 thời đã xa nào đó rồi bất giác mỉm cười! cái cảm giác đó... ai cũng nên một lần trải qua!
Người ta quen miệng gọi các quán cóc ở Sài Gòn bằng nhiều cái tên khác nhau như: cà phê vỉa hè, cà phê bệt... Gọi là cà phê cóc vì các quán cà phê kiểu này nay "nhảy" chỗ này, mai chỗ khác. Các quán này có từ những năm 50 của thế kỷ trước và đến thập niên 60 thì chúng xuất hiện phổ biến hơn. Sau khi giải phóng, phong trào cà phê hè phố ở Sài Gòn mới thực sự bắt đầu nở rộ. Những quán cóc được che một cách tạm bợ bằng những tấm bạt bên lề đường, ở dưới những gốc cây um tùm với những chiếc ghế gỗ. Người ta tụ tập, gặp gỡ bàn chuyện hòa bình và cũng từ đó, uống cà phê hè phố trở thành một trong những thói quen của người Sài Gòn.
Người Sài Gòn có thói quen uống cà phê sáng cho tỉnh táo, để bắt đầu một ngày làm việc. Có thể họ không có thói quen ăn sáng, nhưng uống cà phê sáng thì ít ai "nhịn" được. Không chỉ cà phê sáng mà còn có cà phê trưa, cà phê tối. Buổi trưa các nhân viên văn phòng ra vỉa hè gọi một ly cà phê nhâm nhi đến hết giờ nghỉ. Nếu không muốn ra vỉa hè ngồi có thể nhấc điện thoại là 5 phút sau sẽ có ngay một ly với giá rẻ. Thế mới thấy cà phê cóc Sài Gòn cũng làm dịch vụ rất chu đáo và tận tình.
Cà Phê cóc ở khắp mọi nơi, mọi nẻo đường ngõ xóm, từ nhà, ra phố, ngõ hẻm... đi đâu cũng gặp. Thậm chí có người nghiện đến nỗi ngày nào cũng phải ngồi cà phê. Mỗi sáng sớm, quanh các khu cà phê Huỳnh Đình Hai chợ Bà Chiểu, ngã tư Bảy Hiền, "hẻm Trịnh" Phạm Ngọc Thạch, hay vỉa hè ở các trường đại học Kiến trúc, Bách khoa, Khoa học tự nhiên... lúc nào cũng đông vui với đủ thành phần, gương mặt tuổi tác để "tám" chuyện thời sự thế giới, trận bóng đá tối qua hay tranh thủ đọc vội tờ báo sáng vừa phát hành. Ngồi cà phê vỉa hè có cái thú riêng mà không dễ gì những hàng quán sang trọng có được. Thế nên, không chỉ có dân lao động, bác tài xe ôm, sinh viên chọn vỉa hè làm nơi trú chân cho một ngày mới mà nhiều người trẻ, nhân viên văn phòng cũng đã đến đây.
Với nhiều người bây giờ, đi cà phê là để mua một chỗ ngồi, tìm đến một khung cảnh hợp tâm trạng hay cũng có thể đến quán để nghe một bài hát, bản nhạc mình yêu thích mà không tìm ở đâu nghe được... Dân "ghiền cà phê" và có sở thích ngồi ở "quán xưa" như thế chắc chắn đều đã từng ghé qua: Cõi Riêng, Vô Thường, Thủy Trúc (Tân Bình), Tưởng Niệm, Tuấn Ngọc 4 (Bình Thạnh)... Có những quán nằm sâu trong hẻm nhỏ, đường đi lòng vòng nhưng vẫn được nhiều người tìm đến. Tưởng Niệm ở tận chợ Cây Quéo, Bình Thạnh, lại còn phải đi qua những ngôi mộ trắng mới vào đến quán. Vậy mà mỗi tối, giờ cao điểm đã có nhiều khách đến rồi phải quay về vì hết chỗ.
"Sài Gòn cà phê sữa đá", mỗi nơi, mỗi đồ uống có một nét đặc trưng riêng. Tuy rất bình dị nhưng cà phê vỉa hè đã trở thành nếp sống của nguời dân Sài Gòn và là thứ có sức hút đặc biệt với du khách khắp mọi nơi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét